(Cậy ơn Đức Chúa Trời ban cho, tôi viết lại bài này ước mong được cùng góp phần với anh chị em trong công việc xây lại đền thờ cho Đức Chúa Trời của chúng ta trong thời điểm cấp bách nhất, trước khi gọi là quá trể!)
Xây lại đền thờ Jerusalem là dấu hiệu cuối cùng về ngày Chúa Jesus trở lại lần hai; ngày nay người Do-thái đang hết sức tìm cách xây lại đền thờ Thánh của họ. Đền thờ bao gồm hai yếu tố: ĐỀN THỜ và HÒM GIAO ƯỚC. Nếu không có Hòm giao ước thì đền thờ sẽ không có ý nghĩa; đền thờ chỉ là vỏ bọc bên ngoài, trái tim mang lại sự sống bên trong của đền thờ chính là Hòm giao ước.
Người Do-thái giáo cho đến ngày nay vẫn đi đúng theo Ngũ kinh Môi-se, nghĩa là trái tim của Do-thái giáo vẫn là Hòm giao ước. Vì vậy, nếu không có Hòm giao ước thì cho dù đền thờ có lộng lẫy đến mức độ nào, đều cũng trở nên vô nghĩa.
Chính Đức Chúa Trời đã qui định về kiểu mẫu của Hòm giao ước trong thời Cựu ước. Các sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Công vụ đều có đề cập đến đền thờ; thế nhưng, có đề cập đến Hòm giao ước hay không? Chúa Jesus có lên đền thờ để thờ phượng không? Nếu có, thì Ngài sẽ làm gì với Hòm giao ước? Khi Chúa Jesus lên đền thờ, Ngài có vạch màn vào nơi Chí Thánh để gặp Chúa Cha hay không? Như vậy, Chúa Jesus sẽ làm gì trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội???
(1) VÌ SAO CHÚA JESUS KHÔNG LÊN JERUSALEM MỘT LƯỢT CÙNG VỚI CÁC EM CỦA MÌNH?
Chúng ta cùng xem Giăng 7:1-13 – Bản 2011:
“Sau các việc đó Chúa Jesus đi khắp miền Ga-li-lê; Ngài không muốn đi trong miền Giu-đê, vì người Do-thái ở đó đang tìm cách giết Ngài. Nhưng khi LỄ LỀU TẠM của người Do-thái đến gần, các em trai của Ngài nói với Ngài, “Anh nên rời đây mà đến Giu-đê để các môn đồ anh có thể thấy những việc anh làm.
Vì không ai muốn được công chúng biết đến mà lại hoạt động trong vòng bí mật cả. Nếu anh đã làm được những việc ấy, anh nên tỏ mình ra cho thế giới.” Vì lúc ấy ngay các em trai Ngài cũng không tin Ngài.
Chúa Jesus nói với họ, “THỜI ĐIỂM CỦA ANH CHƯA ĐẾN, nhưng đối với các em thì lúc nào cũng được. Thế gian không thể ghét các em nhưng ghét anh, vì anh làm chứng rằng công việc của họ là gian tà. Các em hãy đi dự lễ đi, CÒN ANH CHƯA ĐI DỰ LỄ NÀY ĐƯỢC, vì thời điểm của anh CHƯA CHÍN MUỒI.”
Sau khi nói như thế với họ, Ngài ở lại Ga-li-lê. Tuy nhiên, sau khi các em Ngài ĐÃ ĐI dự lễ, NGÀI CŨNG ĐI, nhưng ĐI CÁCH KÍN ĐÁO chứ KHÔNG công khai. Người Do-thái tìm kiếm Ngài trong kỳ lễ và nói, “Ông ấy đâu rồi?” Dân chúng bàn tán xôn xao về Ngài; người thì nói, “Ông ấy là người tốt”; kẻ lại nói, “Không đâu, ông ấy chỉ mị dân thôi.” Tuy nhiên, không ai dám công khai nói gì về Ngài, vì họ sợ người Do-thái.”
Một vấn đề đặt ra: Chúa Jesus có phải là kẻ nói hai lời hay không? Ban đầu Ngài nói không đi, sau đó không những Ngài đi mà lại còn đi lén nữa! Chúng ta sẽ phải giải thích việc này như thế nào?
Để có thể hiểu được phân đoạn Kinh thánh này, chúng ta cùng quay trở lại luật pháp trong thời Cựu ước. Cần phải nhớ rằng, đây là KỲ LỄ THÁNG BẢY: Từ sách Xuất cho đến Lê-vi ký, đặc biệt Lê-vi chương 23 và 25 nói rất rõ: bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 7 là đã có thổi kèn vang ra khắp cả xứ, để cho mọi người biết, hầu NGƯNG hết tất cả mọi công việc lao động; để rồi chuẩn bị hành trang đi lên Jerusalem. Một năm ba lần, tất cả mọi người nam từ 12 tuổi trở lên sẽ ra mắt Chúa tại Jerusalem. Đó là lý do khiến các em trai của Chúa Jesus đã rủ ông anh cả: “Tất cả chúng ta hãy cùng đi lên Jerusalem, hè!”
Khi nói đến cụm từ Lễ Lều Tạm, chúng ta phải hiểu đó là nguyên một KỲ LỄ, bắt đầu từ ngày mùng 1/7 là Lễ Thổi Kèn, mùng 10/7 là Đại Lễ Chuộc Tội, 15/7 là ngày vui mừng trọn vẹn; vì đó là ngày ăn uống, tiệc tùng, tung cành chà là, đi ra đường chúc tụng lẫn nhau.
Vậy những người từ quê lên dự lễ, họ sẽ canh thời gian để lên kịp Jerusalem vào trước ngày mùng 10. Để họ được cùng với đoàn dân chứng kiến ngày mùng 10/7 là ngày Thầy Cả Thượng Phẩm duy nhất một năm một lần, bước vào nơi Chí Thánh, rồi từ đó bước ra để chúc phước cho dân sự. Ngày xưa, đầu tiên Môi-se rải huyết trên mình của dân sự để công bố giao ước, còn những lần sau thì Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm bưng hương đem vào nơi Chí Thánh, rồi thì quay trở ra chúc phước cho dân sự. Vì vậy, không ai lên đền thờ để dự lễ mà lại muốn bỏ qua ngày Đại Lễ Chuộc Tội, trừ khi họ bị tai nạn hay bị trục trặc tàu xe.
Giả sử, Chúa Jesus bước vào nơi đền thờ, Ngài cũng đứng chờ đợi để được Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm An-ne hay Cai-phe vào nơi Chí Thánh rồi quay trở ra chúc phước cho Ngài. Theo bạn, Chúa Jesus sẽ làm gì? Chúng ta cần biết rằng: Tất cả những hình ảnh của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, từ việc dâng huyết rồi đi ra chúc phước đó là chỉ về ai? Chúa Jesus có thể nhận những sự rải huyết và chúc phước đó từ những con người này hay không? Và đó là lý do Chúa Jesus đã từ chối không đối đáp với những Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm! Họ chỉ là những Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm do con người hay giáo hội bầu ra mà thôi, Chúa Jesus chính là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thật! Một vị Vua thật thì không thể cúi đầu xin những vua giả ban ơn hay bố thí cho mình. Đó là nguyên nhân khiến cho Chúa Jesus từ chối không lên Jerusalem sớm và Ngài chỉ xuất hiện đúng trong ngày vui mừng trọn vẹn; nhưng Ngài đến KHÔNG PHẢI ĐỂ DỰ LỄ, nhưng ĐỂ DẠY DỖ:
“Ðến GIỮA KỲ LỄ, Ðức Chúa Jesus LÊN ĐỀN THỜ và GIẢNG DẠY. Người Do-thái ngạc nhiên nói, “Người nầy không được học hành gì mà sao lại có kiến thức uyên bác như thế?” (Giăng 7:14-15)
Những người Do thái này đang chờ ai giảng? Có phải chăng họ đang chờ Cai-phe, An-ne, những ông Pha-ri-si giảng. Vì vậy, khi nghe Chúa Jesus giảng, họ ngạc nhiên vô cùng!
(2) CHÚA JESUS CÓ DỰ LỄ VƯỢT QUA HAY KHÔNG?
Giăng chương 10 cho biết: trong ngày Lễ khánh thành đền thờ, Chúa Jesus ĐI DẠO mà thôi; vì sao? Vì Ngài chính là TÂM ĐIỂM của đền thờ, là THẦY CẢ THƯỢNG PHẨM của dân sự, cũng chính là CON SINH TẾ của Đức Chúa Trời. Do đó, Ngài không cần nghe một Thầy Cả Thượng Phẩm nào cầu nguyện cả!
Trong 4 sách Tin lành có một lần nào ghi lại rằng: Chúa Jesus ăn thịt chiên con hay không? Theo bạn, nguyên tắc Lễ Vượt Qua người dân Israel sẽ ăn gì? Há không phải là thịt chiên con hay sao? Thế nhưng, vì sao không có một lần nào trong Kinh thánh tường thuật lại rằng Chúa Jesus ăn thịt chiên con??? Thật lý thú vô cùng, chúng ta nghĩ gì nếu Chúa Jesus xẽ thịt chiên con và ăn? Bạn cần biết chắc rằng: Chúa Jesus chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Thế thì, chẵng lẽ Ngài tự ăn thịt của Ngài hay sao???
Đối chiếu tuần lễ cuối cùng của Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Chúng ta thấy có nhiều điểm khác nhau:
Cả 3 sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca đều cho biết rằng: Chúa Jesus NGỒI ĂN LỄ VƯỢT QUA với các môn đồ, Giăng chương 13 có nội dung giống với ba sách kia. Nhưng trong Giăng 13 cho biết: sau khi ăn rồi, họ cùng vào vườn Ghết-sê-ma-nê; tại đó Chúa Jesus bị bắt, đến rạng sáng hôm sau người ta giải Ngài đến sân Thầy Cả Thượng Phẩm; Phi-e-rơ bấy giờ ngồi sưởi trong sân và đã chối Chúa Jesus. Đến sáng hôm sau, Chúa Jesus được giải đến dinh của Phi-lát, họ cho lính giải Chúa Jesus vào đứng phía trong trường án, còn Phi-lát đứng phía trên ban công để xử án. Nhưng, những người Giu-đa không có vào; Vì sao? Giăng 18:28 cho biết:
“Kế đó, chúng điệu Đức Chúa Jêsus từ nhà Cai-phe đến trường án; bấy giờ đang sớm mai. Nhưng chính mình chúng KHÔNG VÀO NƠI TRƯỜNG ÁN, cho khỏi bị ô uế, và CHO ĐƯỢC ĂN LỄ VƯỢT QUA.”
Thế thì, có sự mâu thuẫn chăng?
Chúng ta cần biết rõ rằng: Người Do thái tính toán lịch rất kỹ và chính xác, thà họ chịu chết chứ không đổi ngày theo người La-mã; càng không chấp nhận bỏ ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát của họ vẫn là ngày thứ bảy, chỉ có Cơ đốc giáo mới đổi ngày Sa-bát ra thành ngày thứ nhất mà thôi. Vậy người Do Thái tính sai ngày sao? Nếu như không phải thì chẵng lẽ chính Chúa Jesus đã tính nhầm ngày??? Có người giải thích vì Chúa Jesus LÀ Đức Chúa Trời nên Ngài có quyền “đổi ngày”!!??
Chiên Con trong ngày Lễ Vượt Qua bị giết đó là hình ảnh của Chúa Jesus, con chiên đó bị giết vào ngày mà Đức Chúa Trời đã qui định cụ thể: Chiên Con bị giết vào chiều tối ngày 14/1, để 15/1 ăn bánh không men và 16/1 là Lễ dâng gié lúa đầu mùa.
Chúa Jesus nói rằng: “Thức ăn của Ngài là LÀM THEO ý muốn của Cha”, vì vậy ngày giờ làm việc của Chúa Jesus hoàn toàn lệ thuộc vào chương trình của Cha. Chúa Jesus thường nói: “Giờ Ta chưa đến..!” Nếu buổi ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus đúng vào ngày ăn Lễ Vượt Qua thì gần 24 giờ sau đó Chúa Jesus mới chịu chết trên cây gỗ. Theo lịch của Đức Chúa Trời thì Chiên Con bị giết chết vào đúng chiều tối ngày 14, vậy Chúa Jesus có thể bị chết vào ngày 15 được hay không? Chúa Jesus chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời; Vì vậy, lúc Chúa Jesus tắt hơi, đó là lúc ỨNG NGHIỆM 100% về ngày và giờ Chiên Con đã bị giết theo luật của Đức Chúa Trời. Vậy, buổi tối cuối cùng Chúa Jesus ăn với các môn đồ KHÔNG PHẢI LÀ ĂN LỄ VƯỢT QUA, mà chỉ là bữa ăn cuối cùng với các môn đồ mà thôi! Vì thế, Ngài nói rằng:
“… Ta rất muốn ĂN LỄ VƯỢT QUA nầy với các ngươi TRƯỚC KHI ta chịu đau đớn. Vì, ta nói cùng các ngươi, ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được trọn trong nước Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 22:14-16)
Trước nay chúng ta bị dạy sai trong việc cho rằng Chúa Jesus ăn Lễ Vượt Qua. Chúa Jesus đã ăn bữa ăn cuối cùng với các môn đồ, để cho ngày luật pháp được ứng nghiệm hoàn toàn vào cuộc đời của Chúa Jesus. Nếu Cha đã yêu thương bày tỏ lẽ thật về ngày giáng sinh của Chúa Jesus, thế thì chúng ta cũng phải điều chỉnh lại lẽ thật về ngày & giờ chịu chết của Chúa Jesus. Người ta không hiểu nên cãi nhau về ngày Chúa Jesus chịu chết, do họ không hiểu về lời Kinh thánh. Lời Kinh thánh là một chùm ba lễ trong ba ngày: 14 giết con sinh, 15 bẻ bánh không men an nghỉ, 16 giơ gié lúa đầu mùa. Vì chiều tối 14 Chúa Jesus chịu giết nên chiều tối 13 Ngài đã lo ăn với các môn đồ.
Kinh thánh không ghi lại tình tiết Chúa Jesus cắt thịt hay quay con chiên, vì Ngài chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ngày 15 người ta liệm xác của Ngài, họ quấn vải gai trắng xung quanh xác của Ngài giống như đống bột, muốn quấn vải trắng thì phải thoa một dược rắc cùng lô hội. Một dược là mũ của một loại cây mọc trong vùng khô cằn ở bán đảo Á-rập và miền Ethiopia; nhựa nó tiết ra có màu như máu, sau đó phơi khô và nghiền ra như bột trắng. Rắc lên người chết và gói lại bằng vải liệm trắng như một cục bột; La-xa-rơ phải mở ra mới đi được là như vậy. Loại bột này rất tinh khiết, dùng để ủ xác cho không thối. Qua đó cho thấy: nó y như bột không men, và đến ngày thứ ba Thần Linh Cha đã khiến Chúa Jesus sống lại một cách đầy vinh hiển.
Chúng ta đừng để bối rối về điều này, vì có nhiều cách nói khác nhau trong tiếng Do thái; bài quốc ca của Vatican có câu: “Chết chôn trong mồ, trọn 3 ngày”. Khái niệm “trọn 3 ngày” chỉ có một lần duy nhất được viết lại; rất có thể do người dịch thuật; riêng chính miệng Chúa Jesus nói rất nhiều lần: “Con người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, bị giết và bị chôn, đến ngày thứ ba phải sống lại”.
Ngày nay có một nguyên tắc chung vô hình: hễ điều gì Chúa nói đi nói lại rất nhiều lần, nhưng chỉ cần có một người nói khác thì giáo hội sẽ chọn tin lời người đó. Chúa nói ngày yên nghỉ là ngày thứ bảy cả ngàn lần từ Sáng-thế ký cho đến tận Khải-huyền, không hề có một lần nào nói rằng đã chuyển qua ngày thứ nhất cả! Thế nhưng, chỉ cần Phao-lô vừa đề cập đến ngày Sa-bát; thế là các giáo hội cho rằng Phao-lô đã chuyển ngày!!??
Chúng ta thấy sự ứng nghiệm trọn vẹn như thế nào nếu chúng ta hiểu những gì của luật pháp:
• Ngày 14: giết con sinh // Ngày 14 (ngày thứ sáu): Chúa Jesus chịu thương khó và chịu chết.
• Ngày 15: lễ bẻ bánh không men // Ngày 15 (ngày thứ bảy - Sa-bát): Chúa Jesus nghỉ yên trong mồ.
• Ngày 16: giơ gié lúa đầu mùa // Ngày 16 (ngày thứ nhất): Chúa Jesus sống lại.
Bạn thấy có một sự trùng khớp hoàn toàn phải không nào! Vậy có phải Chúa Jesus chịu chết vào ngày thứ sáu và sống lại vào ngày thứ nhất hay không!
Nên chúng ta sẽ được giải phóng khi nhìn những chữ “Thầy muốn ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” hay “dọn Lễ Vượt Qua”. Điều đó chẳng có gì quan trọng vì người Do thái xem đó là cả một kỳ lễ, ít nhất là ba ngày liên tục! Giữa việc để cho Chúa Jesus ăn đúng bữa với việc để cho mọi lời tiên tri trong luật pháp của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trọn vẹn, chúng ta sẽ phải chọn điều nào? Phải chăng phải ưu tiên cho luật pháp của Đức Chúa Trời, vì vậy Chúa Jesus đã chọn ăn trước một bữa. Thế nên Ngài nói: “… Ta rất muốn ĂN LỄ VƯỢT QUA nầy với các ngươi TRƯỚC KHI ta chịu đau đớn…”
(3) CHÚA JESUS ĐÃ LÀM GÌ TRONG NGÀY LỄ LỀU TẠM?
Các anh em của Chúa Jesus lên đền thờ để có thể chầu chực ở đó, chờ sự chúc phước của các thầy tế lễ; ít ra họ cũng phải có mặt trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội, để yên tâm rằng mình đã được tha tội. Vì thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm bưng huyết của con dê vào: một con mang hết tội lỗi đi ra; một con bị giết và lấy huyết vào nơi Chí Thánh để rồi bưng ra rải huyết lên mình cho dân sự; hầu cho họ được sạch tội. Thế thì, Chúa Jesus làm sao có mặt ở đó để nhận sự tha tội? Nếu Chúa Jesus đứng đó lỡ huyết ấy dính lên mình của Ngài thì chẵng lẽ Chúa Jesus được tha tội hay sao? Tội Chúa Jesus ở đâu mà tha? Chúa Jesus không thể chấp nhận bất cứ một điều sai trật nào, Chúa Jesus rất khôn ngoan, Đức Chúa Trời lập trình rất kỹ. Ngài không tự ý làm bất cứ việc chi, chỉ làm mọi việc Cha giao cho làm mà thôi! Ngài biết rất rõ ý muốn Cha và thời điểm Cha giao việc phải làm. Vì vậy, Ngài luôn nói: “Giờ Ta chưa đến...” là như vậy!
Khi Chúa Jesus bị căng trên cây gỗ, Ngài đã thét lên: “Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?” nghĩa là “Ông Trời ơi, ông Trời ơi, sao ông lìa bỏ tôi?” Đến nỗi người Giu-đa hiểu lầm rằng hắn kêu Ê-li kìa! Khi Ê-li-sê thấy Ê-li được cất lên đã kêu: “Cha ơi, là xe và ngựa của Israel!” Ở đây, Chúa Jesus khác với Ê-li-sê; Ngài kêu Ê-li; tiếng kêu đó nhắc nhớ cho tất cả những người Giu-đa thông thạo kinh luật Cựu ước, nhớ lại hình ảnh Ê-li-sê ngày xưa kêu Ê-li. Cho nên trên cây gỗ khi Chúa Jesus kêu “Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?” Lẽ ra Chúa Jesus không được gọi như vậy! Vì hình ảnh bị treo lúc đó không phải là hình ảnh của Con Người; Chúa Jesus đã giải thích cho ông thầy luật pháp Pha-ri-si rất rõ: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thế nào thì Con Người cũng bị treo lên thể ấy”…
Trong quá khứ Cựu ước có rất nhiều con người bị treo, nhưng hình ảnh của nọc độc sự chết tột cùng nhất đó là hình ảnh của Sa-tan. Lúc Chúa Jesus thét lên, là lúc Ngài đang bị treo lên, đó là hình ảnh của đứa con phản bội, không thể kêu lên bằng Cha được nữa! Vì Ngài chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời; nếu thế thì Ngài không hề mở miệng, Ngài như Chiên câm. Nhưng do quá kinh khủng Ngài không chịu nỗi nên đã thét lên “Ê-li”, tức “Ông Trời ơi, sao ông đành lìa bỏ tôi?”
Tội của tất cả những kẻ phản nghịch đều do Chúa Jesus gánh thay, kể cả những người đã nghe Nô-ê giảng đạo công bình. Khi mưa đổ xuống nước ngập, họ kêu thét lên: “Trời ơi!” thì Ngài có trả lời hay không? Không phải Ngài ác nhưng… Ngài đã kêu họ suốt 120 năm trước khi tàu đóng cửa!
“Hỡi Cha, con giao linh hồn lại trong tay Cha, Ngài vừa nói thì gục đầu trút linh hồn”. Đó là lúc cái màn trong đền thờ đã xé ra, nghĩa là đường vào nơi Chí Thánh đã được Đức Chúa Trời mở ra, để chúng ta được dạn dĩ mà bước vào: “… vì chúng ta nhờ HUYẾT ĐỨC CHÚA JESUS được dạn dĩ VÀO NƠI RẤT THÁNH, bởi ĐƯỜNG MỚI và SỐNG mà Ngài đã mở ngang qua CÁI MÀN, nghĩa là NGANG QUA XÁC NGÀI” (Hê-bơ-rơ 10:19-20)
Hiểu được điều này thì hiểu được đền tạm ở dưới đất là hình ảnh của chính Chúa Jesus. Người Do thái không hiểu điều đó nên vẫn trông chờ Đấng Mêsia, họ đã xây sẵn một cái đền để trông chờ Đấng Mêsia đến giảng dạy. Trong khi đó, Ngài đã đến cách đây hơn hai ngàn năm; Ngài đã đến giảng dạy, họ đã ném đá và đuổi Ngài ra!
Chúng ta đừng vội chê cười người Giu-đa; các giáo hội ngày nay đã có Kinh thánh, Kinh thánh chứa đựng lời của Đức Chúa Trời. Đừng vội tưởng họ nghe và thấy được Chúa Jesus; Chúa Jesus nói rằng: “Này TA Ở CÙNG với các ngươi luôn cho đến tận thế”. Về một phương diện nào đó, ngày hôm nay chúng ta không thấy Chúa Jesus bằng xương bằng thịt; đỡ khỏi bị chi phối, đỡ nghi ngờ hơn ngày xưa; vì ngày nay phép lạ vẫn có, nhơn danh Chúa Jesus thì quỷ vẫn ra. Nhưng, nhìn một người mặt mũi xài xể xấu xí, bị rủa bị nhổ phun lên mặt, kêu mà chẳng đáp lời, chưa chắc chúng ta sẽ nhìn người đó theo cách khá hơn người Giu-đa ngày xưa!
Coi chừng, chính chúng ta là người không tin đầu tiên! Huống chi người đó là ông anh cùng sống chung với mình; mỗi ngày nhìn thấy đục đục bào bào, vác bàn ghế đi giao cho người khác, cũng đếm tiền công mỗi ngày giống như bao nhiêu người khác… Thế mà nói người này là Con Đức Chúa Trời xuống; nếu là chúng ta thì liệu chúng ta có tin hay không? Trong 30 năm không hề có một phép lạ nào cả, lấy gì để tin? Chúng ta ngày nay còn dễ tin hơn các ông em của Chúa Jesus ngày xưa rất nhiều.
(4) CHÚA JESUS LÀ TRÁI TIM CỦA ĐỀN THỜ
Người Do thái không nhận ra Chúa Jesus chính là cái đền thờ. Mục đích của đền thờ là để làm gì?
– Nơi hiệp nhau thờ phượng Đức Chúa Trời: vì trong thời Cựu ước Đức Chúa Trời qui định có một nơi cho mọi người tụ lại. Ngày nay chúng ta tụ lại bởi Danh của Chúa Jesus.
– Nơi nghe đọc lời của Đức Chúa Trời: ngày nay chúng ta nhóm nhau lại cũng nghe lời Đức Chúa Trời giống như nghe lời Chúa Jesus giảng.
– Là nơi chính Đức Chúa Trời trong mối thông công với loài người: giống như áng mây bao phủ dân sự Ngài khi họ nhóm lại. Ngày nay đền thờ đó chính là Chúa Jesus, nhơn danh Chúa Jesus chúng ta nhóm lại thì đó là đền thờ, mặc dù chúng ta không thấy nhưng có thật. Nhơn danh Chúa Jesus chúng ta nghe Lời Đức Chúa Trời, điều đó diễn ra trong đền thờ. Nhờ núp trong Danh của Chúa Jesus mà chúng ta tận hưởng được vinh quang của Cha trong nơi Chí Thánh.
Chúng ta thật sự được giải phóng khi hiểu vì sao Chúa Jesus luôn luôn không khen việc đền thờ đẹp, lớn! Một khi Chúa Jesus đến thế gian rồi, thì những điều đó phải được dẹp bỏ, vì khi những điều đó còn tồn tại thì người ta chỉ lo ngắm nghía vuốt ve nó và họ sẽ không tập chú vào Chúa Jesus nữa! Ban đầu Chúa Jesus đuổi “phần mềm”, là những người đang cung ứng những phương tiện để dành cho việc thờ phượng dâng tế lễ trong đền thờ. Đến cuối chức vụ của Ngài thì dẹp luôn “phần cứng”: chẵng còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào! Không phải chỉ có người Do thái giáo không nhận ra Chúa Jesus mới nôn nả vào nhà thờ đâu! Ngày nay chúng ta há không quá chú trọng đền thờ bằng vật chất sao???
(5) DẤU HIỆU CUỐI CÙNG: DÂN ISRAEL XÂY LẠI ĐỀN THỜ
Lâu nay các nhà giải kinh vẫn bám vào nghĩa đen: lúc dân Israel xây lại đền thờ là lúc Chúa Jesus sẽ trở lại! Mọi người đang trông mong điều này theo nghĩa đen của nó. Nhưng chúng ta là những người thật sự được giải phóng tâm trí bởi lẽ thật, nên hãy hiểu theo cách lớn lao và cao quý mà Cha và Chúa Jesus muốn! Đó là những con cái Israel thật sự thuộc linh xây lại đền thờ, ai là dân sót của Ngài thì hãy mau xây lại đền thờ của Ngài! Mà Jerusalem ở đâu? Có cần phải lên núi đó không? Hệ giá trị của Đức Chúa Trời nhỏ bé vậy sao??? Chúa Jesus đã đến để giải phóng chúng ta ra khỏi sự cột trói của mọi hệ giá trị.
Ở trong hệ giá trị của Cựu ước, khi chúc phước cho Jerusalem, chúng ta sẽ nhận được phước theo đúng hệ giá trị của Cựu ước. Khi chuyển sang hệ giá trị của Đấng Christ, khi chúng ta chúc phước cho Jerusalem, dân Israel là dân Thánh.
Chúng ta đã nhận lãnh khái niệm dân Thánh trong Đa-ni-ên chương 7; bản thân tiên tri Daniel lúc viết về “dân Thánh”, ông sẽ nghĩ đến ai? Há không phải là những người đã được cắt bì, là con chính thống của dòng dõi Áp-ra-ham, thuộc dòng của Sa-ra, phải theo dòng của Gia-cốp, thậm chí là dòng của Giu-đa. Nhưng chúng ta đã được Chúa Jesus giải phóng, chúng ta là những đền thờ của Đức Chúa Trời đang được xây lại:
“ANH EM là ĐỒNG RUỘNG của Đức Chúa Trời, là NHÀ của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 3:9 - bản RVV11)
và “Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa; mà NHÀ CHÚA TỨC LÀ CHÚNG TA.” (Hê-bơ-rơ 3:6)
Dân sót của Đức Chúa Trời đang thật sự xây lại đền thờ, tuyển dân thật sự của Đức Chúa Trời đang nôn nả xây lại đền thờ. Vậy nên, hãy loại bỏ tất cả những gì không phải là giá trị, quy cách của Đức Chúa Trời. Làm đúng theo những gì mà đích thân Đức Chúa Trời đã truyền dạy qua tôi tớ của Ngài: đó là sự chính xác trong quy cách, kích thước, và soát xét tất cả các công việc ĐÚNG Y NHƯ lời Đức Giê hô-va đã phán dạy!